TIN TỨC
ĐỂ HỒ SƠ XIN HỌC BỔNG THÊM “LẤP LÁNH” BẰNG CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ
- 19/07/2021
- Posted by: Đỗ Đăng Khoa
- Category: TẦM NHÌN & MỤC TIÊU
Nếu đã ấp ủ cho mình dự định xin học bổng đi du học, hẳn các bạn học sinh đang cố gắng để có thể đạt được kết quả học tập (GPA) cao và điểm SAT/ACT cao cùng tấm bằng IELTS xịn sò. Nhưng liệu điểm số cao đã đủ để giúp các bạn cầm chắc trong tay học bổng chưa?
Thật ra là chưa nhé, vì ngoài kết quả học tập thì còn nhiều yếu tố khác quyết định bạn có được lọt vào phần phỏng vấn trực tiếp hay không, một trong số đó chính là các hoạt động ngoại khóa mà bạn đã tham gia khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường đấy. Rút ra từ các kinh nghiệm của những bạn đi trước, bài viết này sẽ phần nào giúp các bạn học sinh có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa một cách tích cực nhưng có sự chọn lọc kỹ càng, ít tốn thời gian và cân bằng được việc học.
Phân bổ thời gian trống cho các hoạt động ngoại khóa
Học điên cuồng chưa hẳn là cách hay, vì chúng ta cần dành thời gian để giải trí, để đầu óc có những phút giây khuây khỏa, kỹ năng sống cũng cần được trau dồi. Tương tự, hoạt động ngoại khóa miệt mài cũng không được khuyến khích, vì quỹ thời gian cũng cần dành cho việc học. Nếu như bình thường, các bạn có thể làm hai, ba hoạt động ngoại khóa một lúc để vừa cân bằng được việc học và việc chơi. Nhưng trong giai đoạn căng thẳng và quan trọng của việc học (như apply học bổng, tham gia các kì thi…) thì chỉ duy trì một hoạt động ngoại khóa hoặc không tham gia gì cả.
Quan trọng, hãy chia thời gian hợp lí ngay từ đầu để không bị bỏ dở hoặc “thở không ra hơi” khi chiến đấu với cả tá deadline, bạn nhé.
Nên có sự thống nhất giữa các hoạt động ngoại khóa
Một bộ hồ sơ hoạt động ngoại khóa “lấp lánh” là khi các hoạt động mà bạn tham gia đan cài với nhau thể hiện con người bạn. Điều này rất có lợi cho việc apply học bổng khi đi du học. Các hoạt động ngoại khóa bạn tham gia không nhất định phải liên quan đến ngành học, nhưng hãy cố gắng thể hiện rằng mình thực sự thích một cái gì đó, dành thời gian và công sức để học hỏi và bồi dưỡng lĩnh vực đó. Ví dụ như nếu bạn biết mình thích design, edit (và biết luôn sẽ học những công việc cần kĩ năng này) thì ngay từ đầu, bạn nên dồn năng lượng vào ban Media/Kỹ thuật của các câu lạc bộ/dự án.
Nếu không bị áp lực phải xây dựng một hồ sơ hoạt động ngoại khóa “lấp lánh” ngay lập tức, và chưa chắc chắn về việc bản thân muốn làm gì, hãy cứ bắt đầu một cách chậm rãi. Trước khi biết mình muốn tập trung vào vị trí nào đó, bạn nên “lăn lộn” nhiều lĩnh vực có thể là nhảy múa, viết kịch bản, diễn xuất, truyền thông, giáo dục,… Nếu mình không chịu khó nắm bắt tất cả những cơ hội đến, thì chẳng có chuyện một trong số chúng bay đến gõ vào đầu mình và nói: “Bạn tìm ra mình rồi nha” đâu.
Nói chung, hoặc là bạn biết được đam mê của mình ngay từ đầu và tập trung vào nó, hoặc là lao vào thử từng cái một, thỉnh thoảng lạc đường, còn lầm tưởng về đam mê, thì cũng cứ thử đi, tất cả đều có giá trị cả, thật đấy.
Nên có ít nhất một hoạt động ngoại khóa thể hiện được khả năng lãnh đạo/quản lí dự án
Sẽ có nhiều bạn nghĩ rằng vai trò leader không dành cho tất cả mọi người. Đúng. Không phải ai cũng có khả năng làm leader. Nhưng qua vài ba lần trở thành leader ít nhiều bạn sẽ nhận ra rằng, đây là một khả năng có thể rèn luyện được, và (dù phải rơi nước mắt rất nhiều lần) bạn vẫn có thể nắm bắt nó.
Khả năng lãnh đạo/quản lí dự án trong hồ sơ hoạt động ngoại khóa luôn được đánh giá cao. Bởi khi trở thành leader là bạn đã vượt qua vùng an toàn của chính mình, sẵn sàng gánh vác áp lực, trách nghiệm, khó khăn một mình. Đây là vị trí cho phép bạn mở khóa những kĩ năng “siêu đẳng” của chính mình mà có thể bạn chưa từng biết tới.
Để trở thành leader, bạn cần gắn bó với tổ chức/câu lạc bộ một thời gian nhất định, hoặc nếu được chọn làm leader ngay từ đầu thì bạn vẫn cần thời gian trau dồi kĩ năng và kinh nghiệm từ trước đó. Sự kiên nhẫn của bạn được bồi dưỡng từ đây đấy.
Học thật tử tế để không bị vừa học vừa lo lắng về hoạt động ngoại khóa
Vừa học giỏi vừa hoạt động ngoại khóa tốt không phải là “siêu nhân” đâu, mà là phiên bản “pro” của chính bạn đó. Chắc hẳn các bạn cũng đã ít nhiều thấy các trường hợp vừa có thành tích học tập “đỉnh” vừa năng động, nhiệt tình, luôn tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa.
Bí kíp là: Bạn phải thử. Phải thử thì mới biết được mình làm được những gì và hoạt động ngoại khóa ở mức độ nào để không ảnh hưởng đến việc học. Cân bằng và quản lí thời gian là cả một nghệ thuật mà bạn phải luyện tập rất nhiều mới thành thục được. Nhưng không phải là “impossible” đâu nha. Impossible = I’m possible đó. Cố lên nha.
Đừng thực dụng quá
Đừng nghĩ làm việc cho người ta xong thì người ta phải cấp cho mình certificate, phải như thế này như thế kia. Tuy bạn thường được khuyến khích tự đặt câu hỏi “Mình được gì khi tham gia cái này?” nhưng không hy vọng câu trả lời sẽ rơi vào những thứ kiểu như lợi nhuận, certificate, được tỏa sáng, được nổi tiếng,…
Đây là những lúc đang học hỏi. Giá trị bền lâu mà bạn gom được từ việc tham gia hoạt động ngoại khóa là phát triển chính bản thân bạn, là từ từ bồi dưỡng cá tính, màu sắc của bạn qua thời gian, là hiểu về bản ngã chính mình.
Lời kết
Hoạt động ngoại khóa không dành riêng cho những người đặc biệt, người hướng ngoại, những kẻ “năng động và tỏa sáng từ lúc mới sinh ra”. Nó dành cho tất cả mọi người. Bạn cần dấn thân vào mọi thứ thì bạn mới học hỏi, mới phát triển, mới trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân được.
Hoạt động ngoại khóa không phải chơi một trò chơi, mà là một môi trường có khả năng kiến tạo một phần con người bạn, là điều bạn phải bỏ thời gian, công sức, tâm huyết và thậm chí hơn cả thế nữa. Đều là học phí cho quá trình phát triển bản thân. Tuy nhiên vì đã trả học phí, hãy chọn lớp học tốt và phù hợp nhất với mình.
Đừng tùy tiện trong việc lựa chọn hoạt động ngoại khóa. Hãy bỏ công một chút tìm hiểu (như đã viết ở trên) và cố gắng học được nhiều nhất có thể.
Chúc các bạn học được nhiều thứ khi hoạt động ngoại khóa và đạt được học bổng như mong muốn nhờ các chia sẻ trên.
Nguồn: Xin học bổng không khó